>> Thiết bị định vị ô tô giám sát hành trình xe ô tô
>> Chiêm ngưỡng siêu xe 73 tỷ đồng trong 'Fast & Furious 7' trên đường phố
>> Thiết bị định vị taxi TMS
Cho tới nay, kế hoạch Nga sản xuất ôtô tại Việt Nam mới chỉ được nhắc tới qua phát ngôn của Thủ tướng Medvedev trong chuyến thăm của ông tới Việt Nam hồi đầu tháng. Theo đó, ông Medvedev cho biết có “17 dự án đầu tư ưu tiên trong năm nay và hai bên đang soạn thảo lộ trình triển khai từng dự án một. Trong đó, có một số dự án triển vọng như cung cấp máy bay cho Việt Nam cũng như tổ chức lắp ráp ôtô của Nga ở Việt Nam”.
Trên thực tế, ôtô Nga không quá xa lạ tại Việt Nam. Bởi trước đây, những cái tên như Volga, Moskvich, Lada, Zil, GAZ, Kamaz, UAZ,… từng được coi là những biểu tượng của một thời vang bóng. Nay việc Nga mong muốn quay lại sản xuất xe hơi tại Việt Nam khiến nhiều người nhớ lại các mẫu xe mang kiểu dáng cổ điển. Tuy vậy, xe tải hay xe cá nhân sẽ trở lại Việt Nam lại là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Nếu điểm ra thì đầu tiên phải kể tới Lada - nhà sản xuất ôtô lâu đời và lớn mạnh hàng đầu của Nga. Cái tên này cũng không quá xa lạ với người tiêu dùng Việt. Với ưu thế giá bán hợp lý, thiết kế đơn giản, dễ điều khiển, các mẫu xe Lada đã và đang lăn bánh trên nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt là sau thời điểm hồi sinh vào cuối năm 2012, Lada đã chứng kiến cuộc cách mạng trong thiết kế để rũ bỏ lớp áo cũ kỹ nhằm cạnh tranh quyết liệt với các mẫu xe Hàn Quốc như Kia, Hyundai,… tại Nga.
Hai cái tên Vesta và Granda của Lada sẽ có thể là những ứng viên sáng giá nhất cho xe du lịch Nga trở lại Việt Nam. Trong tương lai, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU), thuế nhập khẩu giảm sẽ giúp giá bán của xe nhập có thể hạ xuống. Trong khi đó, ưu đãi đầu tư có thể hạ giá xe lắp ráp tại Việt Nam.
Còn đối với mảng xe tải, cái tên sáng nhất là Kamaz - đơn vị hợp tác với Việt Nam từ năm 1978. Hơn 10.000 xe tải Kamaz đã được đưa sang Việt Nam từ đó tới năm 1990. Sau đó, Kamaz tạm ngưng xuất khẩu xe sang nước ta. Phải tới năm 2000 mới trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, nếu quay trở lại lắp ráp ở Việt Nam, chắc chắn Kamaz sẽ vướng phải đối thủ rất lớn là các mẫu xe tải Trung Quốc vốn sở hữu điểm mạnh nhất là giá rẻ, nhanh thu hồi vốn. Thuế nhập khẩu xe tải nguyên chiếc ngày càng hạ khiến cho xe tải Trung Quốc càng có lợi thế cạnh tranh về giá.
Bên cạnh hai cái tên kể trên thì còn đó những đơn vị khác như Volga với các xe sang trọng hơn, là thương hiệu yêu thích của các “đại gia”, Zil với thương hiệu limousine cho các chính trị gia, Moskvich với các mẫu xe cổ điển.
Song cho dù là hãng nào hiện diện tại Việt Nam đi chăng nữa thì sự thành công của ôtô Nga tại Việt Nam vẫn là một ẩn số. Bởi chỉ còn 3 năm nữa, khi thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN xuống 0%, sự cạnh tranh về giá bán sẽ trở nên khốc liệt hơn. Và quan trọng hơn, xét về góc độ thương hiệu, ôtô Nga tỏ ra yếu thế tại Việt Nam, nhất là khi so với các đối thủ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đức, Mỹ.
Chí Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét